Cấm xuất khẩu quặng sắt: Không có chuyện làm lợi cho một doanh nghiệp
Lo ngại cạnh tranh không lành mạnh
Dù Chỉ thị 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2012. Chỉ thị quy định về việc cấm XK các loại khoáng sản là: Quặng sắt, đồng, chì kẽm, apatit... để dành cho việc chế biến sâu trong nước, hạn chế việc thất thoát tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, mới đây, với lý do các DN sản xuất thép xây dựng gặp khó khăn vì chủ trương cấm XK quặng sắt đã tạo điều kiện cho một DN là Cty thép Hoà Phát tìm cách ép giá quặng sắt, nên 13 DN ngành thép đã có động thái gửi huyết tâm thư lên Chính phủ.
Trong công văn gửi Hiệp hội Thép VN (VSA), 13 DN gồm các Cty thép có thương hiệu trong nước như Pomina, Thép Tây Đô, Cty sản xuất thép Úc SSE, Thép Shengli, Vinakyoei, CTCP sản xuất thép Việt -Đức, CTCP thép Việt Ý, Cty thép VSC-Posco, Cty thép Việt Pháp, CTCP thép Thái Bình Dương và CTCP thép Dana Ý đã cho rằng, 2 năm trở lại đây, từ khi chủ trương cấm XK quặng sắt có hiệu lực đã tác động tiêu cực đến sự phát triển của các DN thép.
Theo các DN, việc dừng XK quặng sắt đã cắt nguồn đầu ra của quặng trong nước khiến giá rớt xuống từ 2.200 đồng/kg còn 1.200 đồng/kg, giảm bằng 1/2 giá quặng sắt thế giới. Trong khi đó, DN duy nhất có thu mua quặng trong nước để sản xuất theo công nghệ lò cao là Thép Hoà Phát, trước đó cam kết bao tiêu toàn bộ quặng sắt đã qua chế biến với giá bằng hoặc cao hơn giá XK, nay DN này lập tức ép giá xuống, chỉ bằng một nửa giá thế giới, từ đó chi phí cho “đầu vào” của Hoà Phát là rẻ hơn nhiều so với chi phí đầu vào của các DN sản xuất thép bằng công nghệ lò điện, hoặc sản xuất từ phôi thép nhập khẩu.
Chính từ ưu thế gần như tuyệt đối này mà giá thành sản xuất thép của Hoà Phát rẻ hơn các DN cạnh tranh trên thị trường. Các DN cho rằng, với lợi thế giá rẻ, chủ động nguồn nguyên liệu không phải nhập khẩu và ép được giá trong nước, HPG đang có nguy cơ gây lũng đoạn thị trường, khiến mọi nỗ lực của các DN thép khác đều trở nên vô nghĩa, vì không thể cạnh tranh được với Hoà Phát.
Bộ Công Thương không can thiệp về giá
Đứng ở góc độ Hiệp hội Thép, ông Hồ Nghĩa Dũng - Chủ tịch VSA - bày tỏ quan điểm khi cho rằng: Chủ trương cấm XK quặng sắt của Chính phủ là nhất quán. Trên thực tế, trữ lượng còn lại của quặng sắt trong nước không nhiều, vì vậy Chính phủ chủ trương ưu tiên cho chế biến sâu, không XK quặng gây nhiều hệ luỵ, khó kiểm soát. Việc các DN ngành thép cho rằng, chủ trương này chỉ có lợi cho Cty thép Hoà Phát cũng không đúng, về phía hiệp hội không đồng thuận với quan điểm này của các DN. “Tôi cho rằng, cốt lõi của vấn đề là ở chỗ Nhà nước cần phối hợp với địa phương tăng cường hơn nữa công tác quản lý, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản quặng sắt, sao cho minh bạch, để các DN cạnh tranh lành mạnh”.
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5 do Bộ Công Thương tổ chức, ông Bùi Quang Chuyện - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - tái khẳng định, không có chuyện các DN thép bị ảnh hưởng từ chủ trương cấm XK quặng sắt của Chính phủ. Trước những tranh cãi về việc XK quặng sắt, Bộ Công Thương đã tổ chức 2 cuộc họp với các DN khai thác và mua bán quặng, đề nghị việc mua bán phải theo nguyên tắc thuận mua vừa bán. Bộ Công Thương không can thiệp về giá cả.
Cũng theo ông Chuyện, về khả năng cạnh tranh của các DN trong nước, trong tổng sản lượng sản xuất cả ngành năm 2013, hơn 5,5 triệu tấn thì sản xuất từ sắt thép phế liệu là 4,7 tấn, 8 triệu tấn là từ quặng sắt. Hiện ngoài Hoà Phát với công suất thiết kế 800.000 tấn thép/năm từ quặng, còn 2 DN sản xuất thép từ quặng là Cty gang thép Thái Nguyên (200.000 tấn/năm) và Cty thép Hoàn Nguyên (150.000 tấn/ năm). Ông cũng khẳng định các DN sản xuất thép từ quặng do tiết kiệm được tài nguyên, nhiên vật liệu, năng lượng, quản lý tốt nên sẽ có lợi thế hơn so với các DN thép phải phụ thuộc vào nguồn phôi nhập khẩu.