Chế biến sâu Titan: Tiềm năng và triển vọng
CôngThương - Để biết thêm về những nỗ lực nghiên cứu, đầu tư sản phẩm này, văn phòng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với Ông Trương Đình Việt, Tổng giám đốc Công ty.
PV: Xin Ông cho biết đôi nét về những kết quả bước đầu của dự án xây dựng nhà máy luyện xỉ titan do Công ty đầu tư?
Ông Trương Đình Việt: Đây là dự án thuộc lĩnh vực chế biến sâu khoáng sản theo công nghệ mới, lần đầu tiên được tiến hành xây dựng tại Thái Nguyên và miền Bắc nói chung có tổng vốn đầu tư lên tới 107 tỷ đồng, công suất 20.000 tấn xỉ/ năm và 10.000 tấn gang bao gồm 4 lò điện ( 2000KVA/lò). Dự kiến khi hoàn thành sẽ cung cấp ra thị trường sản phẩm xỉ titan và gang hợp kim chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, cùng với thành công này, sẽ mở ra tiềm năng chế biến, tinh luyện quặng titan và khoáng sản thay vì xuất khẩu thô như hiện nay để tránh lãng phí tài nguyên. Đến nay, công trình đã cơ bản hoàn thành phần lớn các hạm mục chính bao gồm: lắp đặt hoàn chỉnh và chạy 02 lò, sắp tới sẽ vận hành cả 04 lò. Kết quả, chỉ sau hơn 5 tháng đi vào hoạt động, đã có gần 2000 tấn xỉ titan và 1000 tấn gang hợp kim được ra lò. Trong đó, xỉ titan đạt đạt 90 -93% TiO2, sản phẩm gang đạt chất lượng cao cung cấp cho các dây chuyền đúc chi tiết máy và đúc bi cầu. Thêm vào đó, để đa dạng sản phẩm, chúng tôi đã đầu tư thêm dây chuyền đúc bi nghiền phục vụ công nghiệp chế biến xi măng và khoáng sản tại một số đơn vị bạn là Công ty CP cơ khí 3-2…
Ông Trương Đình Việt: Mặc dù chưa vận hành hết công suất nhà máy nhưng kết quả đạt được là rất đáng khích lệ. Sản phẩm làm ra đã đạt và vượt yêu cầu về các chỉ tiêu kỹ thuật, hàm lượng, nhiên liệu tiêu thụ …Thêm vào đó, nhờ nắm chức kỹ thuật, công nghệ và nguồn nhân lực được đào tạo lành nghề đã tạo nên sức mạnh cho tinh thần dám nghĩ, dám làm để trở thành một trong số rất ít đơn vị trong nước có khả năng tinh luyện được xỉ titan và gang hợp kim. Sự thành công của dự án này đã và đang tạo tiền đề quan trọng cho chiến lược phát triển, tiến tới là đơn vị chuyển giao, lắp đặt dây chuyền sản xuất và hỗ trợ đào tạo công nhân cho các đơn vị khác. Và quan trọng hơn cả chính là góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến khoáng sản đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước thay vì xuất khẩu sản phẩm thô như hiện nay.PV: Chắc chắn thành công này chưa phải là đích đến, thưa Ông?
PV: Theo Ông, cần có những chính sách hỗ trợ như thế nào để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu khoáng sản?
Ông Trương Đình Việt: Đây là lĩnh vực phức tạp, muốn chế biến tinh luyện khoáng sản phải đầu tư lớn về mọi mặt vì thế tôi cho rằng các cấp, các ngành cần có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp.Cụ thể là quy hoạch, cấp phép vùng nguyên liệu khai thác, đào tạo nhân công …, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và công nghệ. Đặc biệt, đối với nhà máy chế biến đã đi vào hoạt động thì việc bảo đảm nguyên liệu đầu vào (khoáng sản) là vô cùng quan trọng. Hiện nay, trữ lượng mỏ của chúng tôi đã gần hết, khối lượng quặng để đưa vào chế biến sâu chỉ đủ sản xuất 1 năm nữa là hết. Công ty đã lập hồ sơ xin cấp phép mỏ mới để có nguyên liệu sản xuất được lâu dài khoảng 30 năm. Nhưng do vướng mắc trong quy hoạch, nên Công ty đã lập hồ sơ xin cấp phép mỏ gần 3 năm vẫn chưa được cấp phép và không biết bao giờ mới được phép khai thác. Nguy cơ xây dựng nhà máy xong phải đóng cửa vì thiếu nguyên liệu và thiếu điện là rất lớn.